Người lao động xa quê cần biết những điều này khi nghỉ phép năm

Người lao động ở xa quê thường bị thiệt thòi về thời gian di chuyển về quê dẫn đến thời gian thực tế được nghỉ ít khi nghỉ phép năm. Vậy, trong trường hợp này thì người lao động xa quê có được hưởng thêm quyền lợi gì so với những người lao động còn lại không? Mời quý thành viên cùng PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP theo dõi bài viết dưới đây.

  1. Được tính thêm thời gian đi đường vào thời gian nghỉ phép năm

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4, Điều 111 của Bộ luật Lao động 2012:

“Điều 111. Nghỉ hằng năm

  1. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.”

Như vậy, thời gian đi đường được tính thêm vào thời gian nghỉ phép năm nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Thứ nhất, người lao động phải di chuyển bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy trên cả tuyến đường đi và về khi nghỉ phép năm.

Vậy nếu người lao động di chuyển bằng máy bay sẽ không đủ điều kiện tính thời gian đi đường vào ngày nghỉ phép năm.

– Thứ hai, số ngày đi đường cả đi và về phải trên 02 ngày.

Khi nghỉ phép năm mà có thời gian đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi sẽ được tính thêm thời gian đi đường, ngoài ngày nghỉ hàng năm.

Người lao động nên giữ lại giấy tờ chứng minh như vé xe, vé tàu trong trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu cung cấp để xác minh.

– Thứ ba, thời gian đi đường chỉ được tính thêm vào thời gian nghỉ phép năm cho 01 lần nghỉ trong năm.

Thông thường lịch nghỉ phép năm sẽ được tính theo năm dương lịch, tuy nhiên mỗi công ty có quy định lịch nghỉ phép năm riêng. Theo đó, người lao động được tính thêm thời gian đi đường vào thời gian nghỉ phép năm 01 lần trong đợt nghỉ trong năm đó.

Ví dụ:

Chị A làm việc cho công ty B tại TP. HCM từ đầu năm 2019. Chị A xin nghỉ phép để về quê ở Ninh Bình trong 05 ngày từ ngày 12/09 – 16/09 (từ đầu năm 2019 đến thời điểm xin nghỉ phép chị A chưa nghỉ phép lần nào). Chị A di chuyển bằng xe khách, thời gian đi đường cả đi và về là 04 ngày và chị A có cung cấp vé xe cho công ty B.

Vậy theo quy định trên, chị A đủ điều kiện được tính thêm thời gian đi đường vào thời gian nghỉ phép năm. Theo đó, chị A được tính thêm 2 ngày đi đường (ngoài ngày nghỉ phép hàng năm) cho các ngày đi đường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 4. Ngày đi đường chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

  1. Người lao động có thể được trả tiền lương và tiền tàu xe cho những ngày đi đường

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 113 của Bộ luật Lao động 2012 thì:

Việc người lao động có được nhận tiền tàu xe và tiền lương cho những ngày đi đường hay không là do thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Riêng, đối với người lao động miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và người lao động ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm việc ở miền xuôi thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Lao động 2012;

– Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.